xechuyendung0931222686@gmail.com | MỜI LIÊN HỆ: 0931.222.686

Logo

Hiểu đúng tải trọng và trọng tải ở Việt Nam

Từ một số văn bản về giao thông đường bộ, có thể liệt kê những cụm từ thường gặp, trong đó chứa các từ tải trọng, trọng lượng và khối lượng như sau:

Trọng lượng bản thân xe; khối lượng bản thân xe; trọng lượng (khối lượng) bản thân xe; trọng lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế; trọng lượng toàn bộ theo thiết kế; trọng lượng kéo theo cho phép; trọng lượng HHCC cho phép tham gia giao thông; trọng lượng toàn bộ cho phép TGGT;

Khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở; trọng lượng xe tối đa được phép; khối lượng toàn bộ; tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ); trọng lượng toàn bộ xe (trọng tải xe); tải trọng xe là trọng lượng hàng hóa xếp trên xe.

Đơn vị đo của chúng, khi là kilôgam (kg) hay tấn (t), khi là kilôgam lực (kG) hay tấn lực (T)!

Lại có những cụm từ: tải trọng của đường bộ; công bố về tải trọng; xe quá tải trọng của đường bộ; kiểm tra trọng lượng xe; cân tải trọng; trạm cân kiểm tra tải trọng; trạm kiểm tra tải trọng; kiểm soát tải trọng xe; tải trọng trục xe; hạn chế trọng lượng trên trục xe; hạn chế trọng lượng xe; hạn chế tải trọng xe.

Dường như trong các cụm từ nói trên, tải trọng, trọng lượng và khối lượng được đánh đồng, người đọc khó có thể phân biệt được, và hiểu nhầm là điều dễ xảy ra.

Vậy thực sự tải trọng là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, tải trọng có các nghĩa: 1) tải trọng là lực hay ngẫu lực từ bên ngoài tác động lên một vật, xét về mặt sức bền cơ học của vật đó và 2) x. trọng tải.

Một số người hiểu nhầm giải nghĩa 2) cho rằng, như vậy, tải trọng và trọng tải là như nhau. Thực ra, như đã giải thích ở đầu cuốn Từ điển, lối chuyển chú x. trọng tải (xem trọng tải) này nói lên rằng, nếu dùng với ý nghĩa cân nặng của vật thì viết trọng tải được coi là chuẩn hơn, phổ biến hơn viết tải trọng.

Thực tế, giải nghĩa 2) đôi khi gặp trong ngôn ngữ xã hội thường ngày; còn trong các khoa học kinh điển như Cơ học công trình và máy, tải trọng chỉ dùng với nghĩa 1). Theo đó, tải trọng là một khái niệm rộng chỉ tập hợp lực, không phải là một đại lượng. Tùy theo loại lực, nó có thể được đo bằng các đơn vị khác nhau như niu tơn (N), N.m, N/m, N/m2…

Áp dụng giải nghĩa 1) nói trên thì tải trọng của xe là tập hợp lực tác động lên xe, khi xét về mặt sức bền cơ học của xe. Tuy nhiên:

– Đối tượng áp dụng các văn bản trong lĩnh vực giao thông đường bộ chủ yếu là người quản lý an toàn đường bộ, cảnh sát giao thông, các doanh nghiệp và cá nhân vận tải, người lái xe hay người tham gia giao thông nói chung. Tất cả họ lúc này đều không phải là những người tính toán sức bền của xe, nên không ai quan tâm tới các loại lực tác động lên xe; họ chỉ quan tâm đến cân nặng của xe;

– Trong hồ sơ kỹ thuật của xe cũng như trên các biển báo, khi nói đến cân nặng của xe đều dùng đơn vị kilôgam (kg) hoặc tấn (t). Cũng vậy, tại các trạm cân xe, đồng hồ đều chỉ thị bằng đơn vị kg hoặc t. Đó là những đơn vị đo khối lượng.

Hiện nay, văn bản luật của Việt Nam đều dùng từ tải trọng với ý nghĩa là khối lượng, không chính xác với cách giải nghĩa từ điển chính thống, đồng thời gấy hiểu nhầm, khó phân biệt với từ trọng tải.

0931.222.686